Chương I: Một vì sao đã ra đời
Gió đêm miên man. Bao bọc bởi rừng cây thăm thẳm, nổi bật lên một linh đài sừng sững bằng đá cẩm thạch trắng. 7 người đứng ở đài trung tâm hình ngôi sao sáu cánh. Bao quanh ngôi sao là hai nửa bán nguyệt, mỗi nửa có 12 người. Tất cả đều im lặng định thần. Không gian yên tĩnh như thể nghe được cả tiếng thở nhè nhẹ.
Trong căn phòng trang nhã bên dưới linh đài, một bóng áo vàng sáng sốt ruột bước từng bước. Mùi trầm hương thoang thoảng trong không gian không làm tâm hồn ngài thanh tĩnh được. Cửa phòng chợt mở. Một cô gái áo trắng tinh khôi xuất hiện. Ngài ko ngăn được bước chân hối hả, đến trước mặt cô gái “Xin thỉnh giáo Hạ Tuyết cô nương”. Cô gái nhẹ mỉm cười “Vĩnh Châu, thưa bệ hạ”. Hoàng Thương thở ra, ko giấu nổi ánh mắt lấp lánh, giọng nói kiềm chế xúc động “Tạ ơn trời đất. Chúng ta đã được cứu”. Rồi định thần lại, ngài hỏi “Có dấu hiệu gì không, thưa cô nương?”. Cô gái điềm tĩnh mỉm cười “Dấu hiệu ấy không thể nhìn ra bằng mắt thường. Nếu ngài không tự phát hiện ra được, xem như là số trời đã định”. Hoàng Thượng cúi đầu, mặt thoáng nét băn khoăn “Cảm tạ cô nương”. Ánh nến lung linh nhảy múa trong ánh mắt Hoàng thượng
18 năm sau…
Buổi sáng kinh thành. Trong một căn phòng trọ, không gian lao xao bên ngoài như không ảnh hưởng đến vẻ tĩnh lặng bên trong. Một trái sao từ cây sao sát cửa sổ, rơi xuống, xoay xoay lượn tròn thật đẹp rồi rớt bộp xuống chiếc giường sát vách, khiến người đang muốn nằm nướng không thể tiếp tục nấn ná mong tìm lại giấc ngủ nữa. Cô gái mở mắt, ngồi dậy, uể oải cầm trái sao lên, mỉm cười vu vơ ngắm nghía. Những tia nắng bên ngoài khe cửa len vào phòng, nhảy múa tinh nghịch trên mớ tóc xõa trễ nãi trên vai cô
Cô đưa tay vò mớ tóc rồi vươn người đứng dậy, thư thái mỉm cười, đôi mắt tươi vui rực sáng. Ra ngoài đã 10 hôm, cô cảm thấy thú vị vô cùng. Hôm qua nàng mới đặt chân đến kinh thành. Căn phòng trọ đơn giản nhưng làm nàng phấn khích. Cảm giác tự do tự tại làm rộn lên trong lòng nàng khát khao khám phá. Xem nào, nơi đây là kinh thành, sầm uất nhất, bao điều thú vị đang chờ đợi. Nàng háo hức đưa tay quơ lấy tờ “Giang hồ chí” đặt trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh. Giang hồ mỹ nam này, giang hồ ẩm thực này…nàng sẽ từ từ “nghiên cứu” hết, nhưng trước tiên, phải vỗ cái bụng đói đã.
Một lát sau, một công tử gầy nhỏ nhanh nhẹn bước ra khỏi quán trọ, băng qua con hẻm nhỏ đối diện. Mục “bỏ nhỏ” trên Giang hồ chí đã nói rồi, những quán ăn nhỏ, trong hẻm mới thường là những quán ngon nhất. Khách trong quán cũng dường như không để ý đến chàng trai bé nhỏ mới bước vào. Chỉ có một tiểu nhị lật đật chạy ra hỏi khách muốn dùng gì, chợt giật mình trước đôi mắt sáng như sao của vị khách mới vào. Quả thật, điểm nổi bật duy nhất trên khuôn mặt bé nhỏ xương xương ấy là đôi mắt. Nó mang vẻ tinh nghịch, lém lỉnh khiến người ta vừa thấy thoải mái vui vẻ, lại vừa giật mình thon thót sợ bị thất thố
Công Đồ Nương đã giải quyết xong cái bụng đói. Nàng thở ra khoan khoái. Thức ăn ở kinh thành đa dạng thật, nhất định sẽ từ từ thưởng thức hết các món ngon mới được. Dễ gì có dịp. Nàng lại mỉm cười thích thú, vô định theo dòng người tấp nập trên đường , bước dần về phía trà quán. Bên ngoài cửa trà quán, một người đang đứng rao “Mỹ nam, mỹ nam đây! Hôm nay kể chuyện mỹ nam nổi tiếng nhất kinh thành. Mời bà con ghé vô”
Khóe môi Công đồ nương chợt cong lên. Nàng bước vào quán. Quán gồm nhiều bàn đã gần kín người. Mỗi bàn có để một bộ ấm chén. Công đồ nương phải ghé vào ngồi cùng bàn với hai người khác. Nàng thong thả tự rót cho mình một chén trà. Mùi đậu ván thoang thoảng, tuy không quen uống nhưng vẻ bình dị của hương vị mang lại cảm giác thích thú cho Công Đồ Nương.
Một tiên sinh kể chuyện đang hoa tay múa chân. Kim Tùng công tử lạnh lùng lia mắt nhìn đối phương. Đối phương hốt hoảng giật thót, toàn thân run rẩy, ngọn giáo trên tay bỗng nặng như chì. Kim Tùng cười khẩy. Đối thủ của chàng càng xanh mặt. Xung quanh, tiếng lá cây xào xạc lẫn với âm thanh thê lương vọng lại, báo hiệu một cái chết cận kề…
Công Đồ Nương nói: “Đi đánh nhau mà còn mang theo cả nhạc công để tạo cảnh quan nữa ”.
Vừa dứt lời, nàng chợt nhận ra tiên sinh kể chuyện đang uống nước lấy lại sức, trong khi mọi người còn đang im phăng phắc, và đương nhiên nghe câu nói của nàng rõ mồn một. Mọi người quay lại nhìn nàng bất bình.
Công Đồ Nương cúi đầu, không dám ngẩng lên nữa. Nàng thầm ôn lại trong trí: Kim Tùng công tử, người đang xếp thứ ba trong bảng xếp hạng Mỹ nam giang hồ, nhưng thật ra lại là người được hâm mộ nhất. Trên chàng có Phước Thịnh công tử - đã bế quan luyện công khá lâu, dường như gần đây không nghe tin tức chàng nữa, và Kiến Ngô công tử - đã vợ con đề huề, thế nên dĩ nhiên mất điểm trong mắt các cô gái. Kim Tùng xếp thứ ba, nổi tiếng vì tài năng, dung mạo, lại là con trai của tam quận chúa và ( dĩ nhiên) chưa có vợ con nên nghiễm nhiên trở thành người được hâm mộ nhất, bỏ xa cả đệ nhất, đệ nhị mỹ nam và cả hai người đứng ở vị trí còn lại trong ngũ đại mỹ nam đương thời
Tiên sinh kể chuyện tiếp tục hoa chân múa tay, càng kể càng hăng say, trong khi Công Đồ Nương buồn ngủ ríu cả mắt. Nàng vội đứng dậy bước ra ngoài. Nàng chỉ muốn xem trà quán là thế nào thôi, chứ nàng chả bao giờ muốn biết về một người qua lời kể có phần khoa trương thế này. Kim Tùng, vốn đã nổi tiếng nay càng nổi hơn, vì đang được dự đoán là người thắng cuộc trong cuộc thi Cửu Trọng Môn. Cửu Trọng Môn là một cuộc thi do Hoàng Hoa Viên tổ chức. Đó là một lâm viên rất rộng phía đông kinh thành. Bên trong là vườn đình lầu các tinh xảo, hành lang gấp khúc, hồ nước, núi đá, cây cối, đặc biệt chỉ trồng toàn các loài hoa màu vàng trông rất đẹp, có thể xem đó là khu vườn đẹp nhất kinh thành.
Nhưng đó không phải là nguyên nhân khiến nó nổi tiếng. Nguyên nhân thực sự là hàng năm, vào khoảng tháng 6, có một cuộc thi được tổ chức tại đây – Cửu Trọng Môn. Từ năm đầu tiên mở ra, những ai tham gia, chỉ cần thắng được trong cuộc thi đó thanh danh sẽ phất lên, nổi tiếng thiên hạ.
Hơn nữa hàng năm, hội thi đều đặt ra một vật phẩm làm phần thưởng cho người thắng được. Và phần thưởng ấy đương nhiên đều là bảo bối trong thiên hạ. Năm trước không ai qua được chín cửa, nên dĩ nhiên không ai thắng cuộc, phần thưởng sẽ để lại cho người thắng năm nay. Nghe đồn phần thưởng là một bức tranh cổ có giá trị lớn
Cuộc thi năm nay, như thường lệ, thu hút rất đông nhân tài đổ về, và trong đó nổi bật nhất là Kim Tùng. Khắp nơi nơi nói về Kim Tùng, dường như giải thưởng thắng cuộc thi năm nay đương nhiên sẽ là của chàng, chỉ còn chờ ngày lấy về thôi.
Công Đồ Nương tiếp tục đi. Nàng muốn đến sòng bạc. Tới kinh thành mà chưa tới sòng bạc thì xem như chưa tới kinh thành. Công Đồ Nương mìm cười, mình sẽ đi hết, sòng bạc, kỹ viện, sẽ đi hết
Chọn sòng bạc lớn Trường Thịnh, nàng thẳng tiến. Bên trong sòng bạc người người nườm nượp, ai ai cũng đều hưng phấn ướt đẫm mồ hôi. Tiếng xúc sắc va chạm, tiếng hò hét mừng rỡ lẫn than thở trộn vào nhau hỗn tạp
Quản lý sòng bạc thấy khách đến liền nhanh nhảu chạy ra đón. Công Đồ Nương lượn một vòng từ đầu này đến đầu kia sòng bạc, nhìn khắp nơi một lượt.
Quản lý thấy nàng đi tới đâu cũng nhìn ngó tỉ mỉ mà không chơi, sốt ruột bèn nói “Hay công tử tham gia đặt cược trong cuộc thi Cửu Trọng Môn nhé”.
Công Đồ Nương hỏi “Đặt thế nào?”.
Quản lý bèn giải thích luật chơi cho nàng "Cửu Trọng Môn có 9 vòng thi. Tương ứng sẽ có 516 thí sinh được chọn để thi. Mỗi vòng đều dựa trên thành tích để chia cặp cho phù hợp. Mỗi cặp loại đi một người, người còn lại đi tiếp vòng trong. Có 9 vòng thi. 4 vòng thi đầu sẽ thi các môn cưỡi ngựa, bắn tên, kiếm thuật, võ thuật. Các vòng này đơn thuần là dùng sức lực, không quá khó khăn, tính cạnh tranh cũng không quá cao. Tuy nhiên, tới vòng thi thứ 5 trở đi, số lượng thí sinh còn 32 người, thì cuộc thi bắt đầu gay cấn, đề thi cũng khó hơn. Hiện giờ cũng là lúc cuộc thi đã qua 4 vòng. 32 người đã được chia 16 cặp đối đầu nhau".
Công Đồ Nương nhíu mày, nhìn lướt qua những cái tên với thông tin thành tích dày đặc, đều không phải là hạng vô danh tiểu tốt. Nàng cũng không mặn mà gì chuyện bài bạc, chẳng qua đã lỡ đến đây, không thử cũng kỳ. Thôi thì cứ đặt cho vui. Nhìn lại một lần nữa. Chỉ còn một người, thông tin ít nhất – Hoài Lâm. Người được chọn đấu với hắn là Kỳ Minh. “Ta đặt Kỳ Minh”. Quản lý nhanh nhẹn ghi sổ.
Công Đồ Nương nghiêng ngó quan sát thêm một lúc. Nàng nghe một giọng nói vang lên “Ông chủ, ta đặt Hoài Lâm”. Công Đồ Nương quay lại. Không thể lầm được. Người vừa cất giọng rõ ràng là nữ, và đang dùng mặt nạ cải trang thành một chàng trai. Cải trang rất khéo, nhưng Công Đồ Nương nhận ra ngay, vì chính nàng cũng rất giỏi thuật hóa trang.
Công Đồ Nương không dám nhìn người ấy lâu, sợ thất thố, nhưng không biết tại sao nàng thoáng cảm thấy một sự quen thuộc. Nhưng rồi nàng quên ngay, chắc có gì nhầm lẫn, cũng không nên tò mò, biết đâu cô ấy cũng như mình, nàng lại vui vẻ huýt sáo trở về khu quán trọ tận hưởng buổi tối náo nhiệt của mình
Nhưng nàng đã đoán sai
Vòng thi thứ 5. Hoài Lâm thắng. Nghe kết quả này, Công Đồ Nương hơi ngỡ ngàng rồi cũng quên luôn sau đó, xem như mình mất tiền, cũng không hy vọng gì nhiều.
Thế nhưng, từ đó, khắp kinh thành như ầm ầm dậy sóng. Chiến thắng các vòng thi tiếp theo, Hoài Lâm đã trở thành cơn sốt. Chàng được nhắc đến ở mỗi câu chuyện, được xem như ngang hàng với Kim Tùng, cạnh tranh ngôi vô địch cuộc thi, cũng như vị trí mỹ nam mới trong giang hồ.
Gần tới vòng cuối cuộc thi, kinh thành càng lên cơn sốt, và dĩ nhiên, sòng bài là nơi nhộn nhịp nhất. Công Đồ Nương vui chân lại đến sòng bài xem tỷ lệ cá cược giữa Kim Tùng và Hoài Lâm thế nào.
Quản lý sòng bài thấy nàng, vội nói “Chúc mừng công tử. Ngài thắng lớn rồi. Số tiền thắng cược, lần này ngài lại đặt tiếp hay là thôi?”
Công Đồ Nương ngạc nhiên “Ta thắng sao?”.
“Ngài đặt công tử Hoài Lâm mà. Thật là có mắt tinh tường”.
“Ông cho ta coi lại sổ nhé”.
Quản lý nhanh nhẹn chạy đi, lát sau mang cuốn sổ lại, trong đó ghi rõ ràng, tên tuổi ngày tháng thì đúng , nhưng thông tin khác: nàng đã đặt Hoài Lâm, với số tiền lớn hơn nhiều.
Công Đồ Nương hỏi: “Hôm ấy còn ai đặt Hoài Lâm ko?”.
Ông chủ xem sổ sách rồi nói: Chỉ có mình ngài”.
Vậy là có nhầm lẫn.
Công Đồ Nương suy nghĩ hồi lâu rồi bước ra khỏi sòng bạc. Số tiền thắng cược khá lớn. Có lẽ người kia là người thân hoặc rất hâm mộ Hoài Lâm. Muốn tìm được người ấy, có lẽ phải đến Hoàng Hoa Viên một phen, sẵn tiện nàng cũng đang muốn đến đó xem thi đấu thế nào.
Sáng hôm ấy, Công Đồ Nương đến Hoàng Hoa Viên rất sớm. Nàng muốn tranh thủ ngắm Hoàng Hoa Viên lúc vắng người. Nhác thấy bên đường có một người vẽ tranh.
Công Đồ Nương liền bước đến “Vẽ cho ta một bức”. Nàng muốn thử xem tay nghề của họa sư kinh thành thế nào, có nhận ra là nàng đang hóa trang hay không. Người họa sư lẳng lặng ngắm nhìn Công Đồ Nương rồi bắt đầu vẽ. Lát sau, ông đưa tranh cho cô. Công Đồ Nương ngạc nhiên. Trong bức tranh là những bông hoa hải đường đang khoe sắc.
Không chờ Công Đồ Nương kịp lên tiếng, họa sư đã nói “Mỗi cô nương là một bông hoa rồi, không đúng sao?”.
Công Đồ Nương bật cười, cầm cuộn tranh bỏ vào ống, trả tiền cho ông rồi bước đi. Nhưng mới được vài bước, nàng đã hối hận vì cầm cuộn tranh thật là vướng víu, bỏ thì thương vương thì tội. Đành vậy chứ biết sao.
Hôm nay là vòng cuối cuộc thi Cửu Trọng Môn. Hai thí sinh cuối cùng là Kim Tùng và Hoài Lâm. Công Đồ Nương đến rất sớm, nàng ngồi ngay trước khán đài. Trên khán đài đặt một chiếc đàn. Không cần phải nói, ai cũng có thể đoán ra đề mục lần này là gì?
Một lát sau, ba vị giám khảo và các thí sinh đến. Công Đồ Nương nhìn lên khán đài, quan sát thật kỹ. Nàng nhận ra ngay Kim Tùng, vì đã nhìn thấy hình chàng rất nhiều trên Giang hồ chí. Hôm nay Kim Tùng vận bộ áo bào màu lam, có thêu những bông cúc bằng chỉ bạc, tôn lên làn da trắng như sứ. Khuôn mặt tuấn mỹ của chàng lạnh lùng nhìn xuống khán giả.
Công Đồ Nương lại đưa mắt tìm kiếm, nàng dồn mọi chú ý sang người ngồi ghế bên cạnh. Hoài Lâm đây ư? Chậc chậc. Nếu như Kim Tùng mang lại cảm giác lạnh lẽo bao nhiêu, thì Hoài Lâm lại toát ra vẻ ấm áp dễ chịu bấy nhiêu. Vóc dáng nhỏ bé, làn da màu đồng điếu mịn màng. Khuôn mặt từng nét đều hoàn mỹ. Trên khuôn mặt trái xoan thanh tú là vàng trán cao, cặp lông mày như vẽ, đôi mắt phượng tuyệt đẹp, chiếc mũi cao thẳng và khuôn miệng nhỏ với đôi môi căng mọng. Chàng mặc bộ đồ nấu bó chẽn, gọn gàng và giản dị. Khuôn mặt chàng toát lên vẻ rạng rỡ, thuần hậu và điềm tĩnh với đôi môi luôn mỉm cười.
Một vị tiên sinh bước ra, nói: “Lần này đề mục là mỗi người phải đàn ba khúc nhạc. Khúc thứ nhất: Hoa ca khúc, khúc thứ hai: Lục chỉ cầm khúc, khúc thứ ba: Dư âm khúc”
Bên dưới lao xao. Quả là cuộc thi nổi tiếng có khác. Khúc nhạc thứ nhất đã quá nổi tiếng, chỉ cần thể hiện tài năng âm nhạc. Khúc nhạc thứ hai cũng nổi tiếng không kém, để thí sinh thể hiện nội công của mình. Còn khúc nhạc thứ ba thì chưa ai từng nghe nói
Một tiểu đồng mang đến một cái hòm. Tiên sinh thò tay vào hòm lấy ra một tờ giấy. Đây chắc chắn là phổ của bản: Hoa ca khúc.
Kim Tùng vội nói “Không cần phổ. Ta sẽ đàn trước”. Ngón tay thon dài xinh đẹp lướt trên dây đàn. Tiếng đàn như nước chảy róc rách mùa xuân, làm cho người ta cảm thấy vui vẻ thoài mái
Đến lượt Hoài Lâm. Chàng cũng không cần phổ. Bản nhạc chàng tấu lên lại mang sắc thái khác. Nghe như tiếng mưa rơi, chút buồn, chút cô liêu
Giám khảo chấm hai người hòa nhau
Tiếp theo là bản “Lục chỉ cầm khúc”. Mọi người bên dưới đã biết đó là bản nhạc gì, nên đều lấy tay bịt tai lại. Nội công trong tiếng đàn phát ra, uy lực khủng khiếp, đất trời như nghiêng ngả, cây cối oằn mình như qua trận bão lớn. Có vài người không kịp bịt tai, bị nội thương lăn lộn trên đất. Lần này Kim Tùng và Hoài Lâm lại tiếp tục hòa nhau.
Tiên sinh lại lấy từ trong hòm ra một tờ giấy khác. Lần này Kim Tùng lại muốn thi trước. Chàng nhìn qua cầm phổ một lần, đặt qua một bên rồi bắt đầu đàn.
Mọi người nghe âm luật, không cảm thấy quá khó và bắt đầu ngạc nhiên sao đề thi này dễ, thì bất ngờ khuôn mặt Kim Tùng bỗng hiện lên vẻ đau khổ, trán đẫm mồ hôi, tiếng đàn bỗng nhiên cao chói tai, một dòng máy chãy ra từ miệng chàng. Sau tiếng đàn đó, Kim Tùng đừng lại, ngơ ngác bần thần nhìn xuống cây đàn, không nhúc nhích. Mọi người không hiểu chuyện gì xảy ra, đưa mắt nhìn nhau
Hoài Lâm cũng quan sát Kim Tùng rất kỹ, chàng có vẻ suy tư. Ngồi vào đàn, chàng đột nhiên hỏi “Xin hỏi tiên sinh khúc nhạc này do ai viết?”
Vị tiên sinh mỉm cười nói “Khúc nhạc này do một vị đại sư vì tri âm của mình mà toàn tâm toàn ý viết nên”.
Hoài Lâm lẩm nhẩm “toàn tâm toàn ý”, rồi chàng chợt mỉm cười, bắt đầu chăm chú đàn hết bản nhạc.
Tiên sinh mỉm cười vuốt râu. Thắng thua đã rõ.
Kim Tùng giận dữ lên tiếng “Bản nhạc này rõ là có vấn đề”.
Tiên sinh đáp “Công tử nói đúng. Bản nhạc này do một nhạc công xuất chúng viết ra từ trăm năm trước cho người tri âm nghe. Sau đó, nó được truyền lại cho hậu nhân. Khúc nhạc này không khó, chỉ khó ở “toàn tâm toàn ý”, người trong lòng có tạp niệm sẽ không thể đàn xong một khúc”.
Vậy là đã rõ, Hoài Lâm đã ngộ ra ý nghĩa của bản nhạc, chàng vứt vỏ mọi tạp niệm trong đầu, lúc nãy mọi thắng thua mưu toan đều vô nghĩa, dường như chỉ còn chàng với âm nhạc hòa quyện vào nhau. Đạo lý của bản nhạc tuy đơn giản nhưng sâu xa tinh tế vô cùng.
Mọi người nghe xong kinh hãi, bàn tán xôn xao.
Tiên sinh quay đầu nói với hai vị giám khảo còn lại: Phần thưởng Cửu Trọng Môn thuộc về Hoài Lâm công tử là không sai, các vị nghĩ sao?”
Thế là phần thưởng được mang ra. Chợt cả khán đài căng thẳng. Công Đồ Nương nhìn thoáng qua thấy mấy người còn đứng cả lên, đang vận công. Khi chiếc khăn lật ra, một ống đựng tranh hiện ra.
Tiên sinh nói “Phần thưởng cuộc thi năm nay chính là bức tranh cổ do Mi Minh phu nhân vẽ”. Đoạn, ông cầm ống tranh vẽ đưa cho Hoài Lâm. Một loạt tiếng hít thở vang lên. Công Đồ Nương cũng biết Mi Minh phu nhân, nhưng cô nhớ không lầm thì bà không phải là họa sư.
Đang đăm chiêu nghĩ ngợi thì cô chợt nghe tiếng xé gió, rồi cô chợt thấy ai đó đẩy mình ngã xuống. Có những tiếng la lớn hốt hoảng. Thì ra một chậu hoa to từ góc khán đài gần chỗ cô rớt xuống. Không ai kịp phản ứng, chỉ có Hoài Lâm là kịp thấy. Chàng lao ra kéo cô ngã sang bên, tránh khỏi chậu hoa giờ đã vỡ thành từng mảnh.
Công Đồ Nương hết hồn, tim đập mạnh, ngơ ngẩn nhìn khuôn mặt Hoài Lâm sát sạt đối diện mình.
Hoài Lâm hơi đỏ mặt nói “Cô…à…anh có sao không?” Công Đồ Nương ngơ ngác lắc đầu.
Hoài Lâm đỡ cô dậy, cầm ống đựng tranh đưa cho cô và trở lên khán đài.
Kim Tùng nói “Đây là bảo bối nhân gian. Chúng tôi muốn một lần được thưởng thức. Chắc công tử cũng không hẹp hòi”. Dưới khán đài lao xao. Công Đồ Nương thấy một số người nắm chặt bàn tay lại
Hoài Lâm vội nói ”Xin mời mọi người xem qua”. Nói đoạn chàng mở hộp đựng tranh ra. Công Đồ Nương mở to mắt. Đó là bức tranh của nàng mà, không sai một nét. Nàng nhìn xuống chỗ chữ ký của họa sư thì thấy máu từ bàn tay Hoài Lâm đã thấm ướt đè lên đó. Chàng bị thương khi nào nhỉ. Rõ ràng lúc nãy Công Đồ Nương không hề thấy cả một vết xước nhỏ. Công Đồ Nương chợt nắm chặt cuộn tranh trong tay lại. Cô lủi nhanh ra khỏi khán đài.
Làn gió mát mẻ bên ngoài làm cô trấn tỉnh lại. Tại sao khi chậu hoa rơi xuống, không ai kịp hành động, trừ Hoài Lâm? Tại sao chàng lại tráo bức tranh của mình? Nhiều câu hỏi dồn dập làm cô không kịp định thần.
Liếc thấy người bán tranh khi nãy, cô vội chạy lại: “Ta mua hết”. Vứt đĩnh bạc lại cho người bán tranh đang tròn mắt ngạc nhiên, cô ôm mớ tranh vội vã đi về quán trọ. Mở cửa bước vào quán trọ, cô thả đống tranh, ngồi phịch xuống ghế. Hình như có gì đó không đúng. Cầm cuộn tranh đã đánh dấu bằng móng tay lên ngắm nghía, cô giật mình, thò tay vào ngực áo. Quả nhiên miếng ngọc bội đã không cánh mà bay.
Cô nàng nghiến răng trèo trẹo “Hoài Lâm, tên nhãi này, người khá lắm”
Tại biệt viện ngoại ô của Linh vương, Hoài Lâm bỗng dưng hắt xì một cái. Tên sai vặt vội bước đến khoác chiếc áo lông lên cho chàng.
Hoài Lâm quay sang mỉm cười “Ta không sao”.
Ngồi cạnh chàng, Linh Vương đang phe phẩy quạt nhìn con trai trìu mến. Hoài Lâm là đứa con ông cưng yêu nhất. Nhìn nó càng ngày càng trưởng thành, lộ rõ tài năng nhưng vẫn luôn ngoan ngoãn, lễ phép, điềm đạm, cư xử đúng lẽ với kẻ ăn người ở trong nhà, ông hài lòng lắm.
Hôm nay được buổi chiều hiếm hoi rỗi rãi ngồi nói chuyện với nhau, hai cha con như quên mất thời gian, say sưa bàn chuyện. Linh Vương buồn cười liếc nhìn đứa con trai bên cạnh. Thằng nhóc nãy giờ cứ ngó quá ngó lại cái đĩa trước mặt. Món mứt đã gần cạn, chỉ còn một ít. Vốn là người không thích ăn ngọt, Linh vương chỉ nhón một miếng, còn lại cậu quí tử cứ tỏm tẻm từ chiều đến giờ. Bây giờ trong cái đĩa chỉ còn vỏn vẹn mấy miếng. Cậu tần ngần ra chiều suy nghĩ lung lắm, nửa muốn ăn, nửa lại sợ hết
Linh Vương nén tiếng cười, quay lại chủ đề chính “Nàng ấy cải nam trang giống đến thế, vậy là có thể có thuật dịch dung. Vậy con làm cách nào để tìm ra nàng ấy đây?”
Hoài Lâm ngẩng đầu, điềm nhiên “Nàng ấy sẽ tự tìm con”.
Chàng lôi từ trong tay áo ra một miếng ngọc. “Bố xem. Chất ngọc trong suốt, không tì vết. Thứ này không phải dễ tìm, thậm chí có thể là đồ gia bảo, ai nỡ bỏ chứ”
“Con làm sao lấy được nó?” Hoài Lâm chột dạ, mặt đỏ lựng, lắp bắp “Con…ơ…con”
Ở nơi nào đó, Công Đồ Nương đang vắt óc suy nghĩ đến ngày hội ngộ “thủ phạm”, vừa nghiến răng ken két “Hoài Lâm à Hoài Lâm, chụy sẽ cho cưng một đêm thú vị và đáng nhớ”
Hết chương I
Tác giả: Cloud_cherry
Minh họa: Shishi Nguyễn
No comments:
Post a Comment